Ngày 14/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2098/QĐ-TTg bổ sung Khu CNC Hà Nam vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 8/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nam là 1 trong 5 Khu CNC trực thuộc tỉnh của cả nước gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hà Nam. Đây được xem là cơ hội mới, giúp Hà Nam có thể tận dụng những lợi thế so sánh, tạo lập môi trường lý tưởng để thu hút các kết quả nghiên cứu mới nhất về CNC; khai thác, tận dụng các nguồn lực góp phần đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Khu CNC Hà Nam có quy mô 663,19 ha, nằm trên địa bàn huyện Lý Nhân và được xác định là khu CNC đa ngành, dạng mở, dựa vào nguồn lực nội sinh và ngoại sinh với các phân khu chức năng chính: Khu trung tâm (quản lý, hành chính, điều hành); Khu nghiên cứu, phát triển, giáo dục và đào tạo, ươm tạo; Khu dịch vụ CNC & logistics thông minh. Dự kiến Khu CNC được chia làm 2 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 2022-2025 thành lập Ban Chỉ đạo và Ban điều hành Đề án phát triển Khu CNC tỉnh Hà Nam; lập quy hoạch chi tiết mô hình Khu CNC tại huyện Lý Nhân; xây dựng phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đất sạch bàn giao cho chủ đầu tư… Giai đoạn tiếp theo tập trung hoàn thiện xây dựng hạ tầng và xây dựng các phân khu chức năng; từng bước vận hành các hoạt động trong mô hình Khu CNC đã hình thành. Tổng kinh phí đầu tư toàn khu khoảng 5.795 tỷ đồng; trong đó phần xây dựng dự kiến 5.183 tỷ đồng, xây dựng khu kỹ thuật là 142,8 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 469,2 tỷ đồng.
Nhiệm vụ của Khu CNC Hà Nam là tiến hành hoặc hợp tác tiến hành nghiên cứu và phát triển CNC, gắn hoạt động nghiên cứu và phát triển với sản xuất CNC; tổ chức liên kết các lực lượng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng CNC; thu hút đầu tư CNC và sản xuất sản phẩm CNC; tiếp nhận, đồng hóa, làm chủ CNC, phổ biến và lan tỏa CNC; cung cấp các dịch vụ cần thiết, các điều kiện hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm CNC…
Lĩnh vực, chủ đề CNC và sản phẩm CNC được lựa chọn ưu tiên phát triển nằm trong danh mục lĩnh vực CNC và sản phẩm CNC được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 30/12/2020. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, lĩnh vực CNC và sản phẩm CNC của Khu CNC Hà Nam còn phải phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Ông Phạm Quang Hưng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao cho biết: Trong giai đoạn 10 năm đầu, những lĩnh vực công nghệ và sản phẩm dự kiến sẽ thuộc vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử-bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ năng lượng.
Sở dĩ huyện Lý Nhân được chọn là địa điểm hình thành và phát triển Khu CNC Hà Nam do có những lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thuận lợi. Trong đó đáng chú ý là đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa được khởi công xây dựng giai đoạn 2, với 4 làn xe; trên đường có 2 hướng đi cầu lớn là cầu Hưng Hà (đi TP Hưng Yên) và cầu Thái Hà (đi Thái Bình), theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cấp tuyến đường này lên đường vành đai 5 vùng Thủ đô.
Do vị trí địa lý và gần các trục giao thông nên dễ dàng tiếp cận với nhiều tổ chức KH&CN trong tỉnh (Khu Đại học Nam Cao, các trường cao đẳng, đơn vị nghiên cứu và phát triển) và tổ chức KH&CN ngoài tỉnh (Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội). Hơn nữa vị trí quy hoạch còn có khả năng mở rộng sau này. Đặc biệt xây dựng Khu CNC nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đảng bộ và nhân dân huyện Lý Nhân thể hiện sự quyết tâm đồng lòng rất cao cho sự ra đời, phát triển của Khu CNC vì sự phát triển lớn mạnh, bền vững của tỉnh.
Ông Đỗ Quang Nha, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng khu CNC, Sở Xây dựng đã nhanh chóng hoàn thiện lập quy hoạch và tham mưu với tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lý Nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định đây là cực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phía Đông của tỉnh. Trong định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế nhấn mạnh đến phát triển công nghiệp CNC làm trọng tâm, là động lực mang tính đột phá thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Riêng diện tích đất dự trữ phát triển công nghiệp của huyện Lý Nhân được điều chỉnh tăng lên 730 ha.
Theo tìm hiểu cho thấy, hai nguồn lực quan trọng, thiết yếu cho xây dựng, phát triển bất kỳ mô hình Khu CNC nào (kể cả tự có và huy động) là nguồn tài chính và nhân lực. Đối với Khu CNC Hà Nam, nguồn lực tài chính đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và giai đoạn vận hành chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Nguồn nhân lực chất lượng cao được kết hợp cả bên trong tỉnh và huy động ngoài tỉnh, đặc biệt là từ Thủ đô Hà Nội nhờ vị trí địa lý và hệ thống giao thông hết sức thuận lợi.
Ông Phạm Quang Hưng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao cho biết: Được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hà Nam, thời gian qua Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao đã chủ động tham mưu với tỉnh và tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai các bước, thủ tục thực hiện Đề án thành lập và đầu tư Khu CNC để trình Bộ KH&CN thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt.
Xây dựng, phát triển Khu CNC nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác một cách có hiệu quả nhất những lợi thế của tỉnh. Không những thế việc hình thành và phát triển Khu CNC sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư ở cả trong nước và FDI đối với lĩnh vực CNC, tập hợp lực lượng trí thức trong tỉnh, trong vùng và nước ngoài đến nghiên cứu, chuyển giao, phát triển CNC; từ đó giúp Hà Nam tăng khả năng tiếp nhận, làm chủ CNC và phát triển năng lực nội sinh về CNC, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và theo hướng hiện đại.